Hội thảo trực tuyến những vấn đề đặt ra và các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thực hiện hướng dẫn số 01/HD-CGC ngày 04/01/2022 về việc hướng dẫn hội thảo với chủ đề “Những vấn đề đặt ra và các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay” của Hội cựu giáo chức tỉnh Quảng Ngãi; Công văn số 03/CV-PGDĐT ngày 07/01/2022 về việc dự hội thảo trực tuyến.

Sáng nay, ngày 12/01/2022 đồng chí Vũ Thị Kim Loan – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ trì điểm cầu Hội nghị tại hội trường Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngĩa Hành, Tham gia hội thảo trực tuyến có các đồng chí là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo và 36 thầy (cô) giáo là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng của 36 đơn vị trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đơn vị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành đã gửi đến Hội thảo báo cáo tham luận của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để đảm bảo công tác dạy học”. Dưới đây là sơ lược nội dung báo cáo tham luận đơn vị Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành gửi đến Ban tổ chức Hội thảo:

Hình ảnh tham gia Hội nghị tại điểm cầu Phòng GD&ĐT Nghĩa Hành

“Năm học 2021-2022 toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông chú trọng thực hiện chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6. Đồng thời “Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Nghĩa Hành nói riêng và Giáo dục cả nước nói chung đứng trước những khó khăn, thử thách nhất định. Khó khăn lớn nhất là ở sự tiếp cận với hình thức học tập hoàn toàn mới của rất nhiều học sinh- đó là Học trực tuyến. Bởi lẽ, nhiều em thiếu về thiết bị hỗ trợ, chưa quen với cách tương tác qua mạng giữa thầy và trò … dẫn đến những tuần đầu việc học tập của các em còn nhiều bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Ngành, sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, đặc biệt là sự nỗ lực của quý thầy cô giáo, của các em học sinh cũng như sự quan tâm của cha mẹ học sinh và các mạnh thường quân mà đến lúc này, khi tôi đang chia sẻ cùng quý vị thì các em HS trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã bước vào kì kiểm tra cuối học kì I với hơn 10 ngàn học sinh TH, THCS trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã thích ứng, tiếp cận và có thể nói đã và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của học kì I năm học 2021-2022.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành có 36 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; với hơn 13 nghìn học sinh và 967 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong toàn huyện.

Trong thời gian qua, dịch Covid -19 đã gây ra nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức, áp lực cho cả thầy và trò trong việc tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến. Do đó, việc đề ra các giải pháp để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 để đảm bảo công tác dạy học” là nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Ngành. Vì thế, Ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện những nội dung sau:

1. Các giải pháp tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ

Thứ nhất, chỉ đạo các trường tuyên truyền quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan quản lý các cấp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP để tiếp tục thực hiện Kế hoạch năm học 2021-2022 đảm bảo chất lượng và tiến độ, đồng thời đảm bảo an toàn cho CB, GV, NV và HS.

Thứ hai, đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về việc tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP, năm học 2021-2022. Trong đó nêu rõ các phương án tổ chức dạy học trong 4 tình huống tương ứng với các cấp độ dịch Covid-19, để các trường chủ động trong công tác tổ chức thực hiện. Tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, tập huấn về nội dung dạy trực tuyến để các đơn vị trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Tuy vậy, đến nay các trường tiểu học, trung học cơ sở vẫn đang tổ chức dạy học trược tuyến ở 100% các trường; bậc mầm non: chưa tổ chức đón trẻ nên đơn vị đã chỉ đạo các trường tổ chức trẻ thao các nhóm lớp, sử dụng các trang thông tin như nhóm zalo, facebook, trang wepside của trường để hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, hướng dẫn trẻ hoạt động tại nhà.

Thứ ba, Phối hợp với ngành Y tế địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 100% CB, GV, NV, đơn vị đang phối hợp triển khai tiêm cho HS từ 12-17 tuổi theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Thứ tư, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cấp trong rà soát thống kê, xét hỗ trợ máy tính và phương tiện học tập để các em đảm bảo phương tiện học tập trực tuyến.

2. Một số kết quả ban đầu về công tác phòng chống dịch, nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2021 – 2022 diễn ra trong tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh. Để triển khai thực hiện năm học theo Khung thời gian năm học đã ban hành, Phòng GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn các đơn vị trường học kết hợp triển khai năm học cùng với công tác phòng, chống dịch. Các trường đã chủ động phân công giáo viên tham gia các lớp tập huấn dạy học lớp 2 và lớp 6 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tham gia tập huấn; xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo mục tiêu giáo dục của cấp học, chú trọng rèn luyện các kiến thức, kĩ năng cơ bản trong mỗi môn học, tạo cơ hội để học sinh được rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng thực hành xã hội.

Đến nay, việc triển khai dạy học của năm học 2021 – 2022 tại các đơn vị vẫn còn triển khai theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian đầu, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, các trường học đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến như: Giáo viên sử dụng thêm các phần mềm hỗ trợ để kiểm tra việc làm bài tập, kĩ năng đọc, … của học sinh; sử dụng các nhóm zalo của nhóm, lớp để trao đổi với học sinh, với phụ huynh ngoài giờ học. Với những nỗ lực vừa nêu, đến nay, công tác dạy và học online vẫn đang được triển khai, nhiều học sinh thích ứng được với hình thức dạy – học này.

3. Khó khăn vướng mắc.

Các trường mầm non vẫn chưa thể đón trẻ ra lớp nên gây ra nhiều khó khăn cho cha mẹ các cháu. Việc dạy học trực tuyến cho học sinh các lớp đầu cấp tiểu học nhất là học sinh lớp 1 còn nhiều khó khăn cho giáo viên và gia đình học sinh. Đến nay, một số học sinh vẫn chưa có đủ thiết bị để học trực tuyến…”.